Những dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ ba mẹ cần phát hiện sớm

Bệnh sốt xuất huyết là một loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường xuất hiện mạnh mẽ trong mua mưa. Đặc biệt, sốt xuất huyết thường xuất hiện ở những vùng có môi trường vệ sinh kém. Tỷ lệ tử vong do bệnh sốt xuất huyết khá cao. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có loại thuốc đặc trị nào đối phó được với tình trạng sốt xuất huyết này.

Các dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ

Một số dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ, ba mẹ cần lưu ý:

– Trẻ bắt đầu bị sốt cao đột ngột, dưới thời gian từ 2 – 7 ngày. Trước đó trẻ có tình trạng sức khoẻ tốt.

– Có những dấu hiệu kèm theo đỏ bừng mặt, da xung huyết, viêm kết mạc mắt, mệt mỏi, buồn nôn và nôn. Những trẻ nhỏ có thể bị hoặc sổ mũi, tiêu chảy.

– Trong giai đoạn này, triệu chứng không đặc hiệu và có thể gây nhầm lẫn với nhiễm vi rút khác.

– Tiếp theo, xuất hiện chấm xuất huyết ở cẳng tay, chân, nách, ngực, thắt lưng và có thể xuất hiện xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu răng, xuất huyết âm đạo ở nữ tuổi dậy thì. Gan có thể phình to sau một vài ngày. Khi xét nghiệm công thức máu, có thể thấy giảm bạch cầu, đây là dấu hiệu cảnh báo khả năng sốt xuất huyết Dengue.

– Từ ngày thứ 3 – 7 của bệnh, trẻ bắt đầu hạ sốt khoảng 37,5 – 38 độ C hoặc thấp hơn. Một số trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng cảnh báo như: lừ đừ, mệt mỏi, nôn mửa… Một số trường hợp nặng hơn có thể dẫn đến sốc sốt xuất huyết, biểu hiện là tay chân lạnh, mạch nhanh và nhẹ, huyết áp kẹo hoặc không đo được. Tất cả các trường hợp này cần phải nhập viện và tuân theo chỉ định của bác sĩ. Nếu để tình trạng sốc kéo dài, bệnh nhân có thể tổn thương nhiều cơ quan, thậm chí tử vong.

– Vào thời điểm ngày 6, 7 của bệnh, có những trẻ hết sốt và đang hồi phục. Trẻ ăn uống tốt và đặc biệt có thể xuất hiện mẩn đỏ ngứa ở tay chân. Điều này khiến phụ huynh lo lắng, tuy nhiên, đây chính là những dấu hiệu trẻ đang hồi phục.

Hướng dẫn cách điều trị bệnh tại nhà hiệu quả

Khi thấy trẻ có dấu hiệu bị sốt xuất huyết, cần đưa trẻ đến bệnh viện khám và chẩn đoán. Hầu hết các trường hợp có thể điều trị tại nhà và tái khám theo lịch hẹn dưới hướng dẫn của bác sĩ. Để điều trị tại nhà hiệu quả, các phụ huynh cần lưu ý:

– Sốt trên 39 độ C, cho trẻ uống paracetamol theo hướng dẫn, nới lỏng quần áo và lau mát. Không dùng Aspirin hoặc Ibuprofen để tránh xuất huyết và toan máu.

– Khuyến khích uống nhiều nước, Oresol, nước trái cây hoặc cháo loãng pha muối để bổ sung chất điện giải.

– Chia ăn nhỏ và ăn thức ăn loãng, dễ tiêu, cân bằng dinh dưỡng. Tránh thực phẩm và nước uống có màu sẫm.

– Hạn chế vận động thời gian bị sốt xuất huyết và nghỉ ngơi tại nhà.

– Trường hợp trẻ không uống được nước, hoặc có biểu hiện như vật vã, lừ đừ, đau bụng nặng, nôn ói đột ngột… cần đưa đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời.

Phòng chống sốt xuất huyết ở trẻ như thế nào?

Hiện nay, Việt nam vẫn chưa có biện pháp điều trị đặc biệt và vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Để phòng chống căn bệnh này, các biện pháp đang được áp dụng là chủ động kiểm soát, vệ sinh môi trường sống xung quanh và loại bỏ các ổ chứa nước lắng đọng. Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cho trẻ, phụ huynh cần thực hiện những điều dưới đây:

– Loại bỏ nơi sinh sống và sinh sản của muỗi, tiêu diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:

  • Đậy kín các dụng cụ có chứa nước, để muỗi không thể vào đẻ trứng.
  • Thả cá vào các dụng cụ đựng nước dung tích lớn (bể, giếng, chum, vại…) để cá ăn hết lăng quăng/bọ gậy nếu có. Các loại cá nên lựa chọn là cá bảy màu, cá sóc, cá rô phi, cá chép, cá lê Argentina…
  • Vệ sinh tất cả các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
  • Thu gom, vứt bỏ các vật dụng, phế liệu trong nhà và xung quanh nhà như: chai, lọ, ống bơ…
  • Vệ sinh môi trường sinh sống, lật úp các vật dụng chứa nước khi chưa dùng đến.
  • Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

– Cách phòng chống muỗi đốt cho trẻ:

  • Cho trẻ mặc quần áo dài tay.
  • Ngủ trong màn, giăng mùng, kéo rèm (kể cả ban ngày).
  • Sử dụng bình xịt diệt muỗi, nhang hương chống muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi…

Bên cạnh đó, gia đình cần phối hợp tích cực với cấp chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hoá chất phòng chống sốt xuất huyết định kỳ.

Bài viết trên đây là thông tin hữu ích về những dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ ba mẹ cần phát hiện sớm để có các biện pháp điều trị kịp thời. Những thông tin trong bài chỉ mang tính chất tham khảo, không giúp chẩn đoán bệnh.

 

Đọc thêm:

Sốt xuất huyết: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sốt xuất huyết ủ bệnh trong bao lâu?

 

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo