Viêm phổi là một trong những tình trạng phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của trẻ. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân gây tử vọng ở trẻ nhiễm bệnh đường hô hấp cấp tính. Để đảm bảo an toàn sức khỏe, việc phòng bệnh và biết cách ứng phó với các dấu hiệu bệnh viêm phổi ở trẻ em được coi là vô cùng quan trọng.
Viêm phổi ở trẻ là gì?
Đây là tình trạng nhiễm trùng trong phổi do virus và vi khuẩn xâm nhập. Vi khuẩn phế cầu khuẩn thường là nguyên nhân chính gây bệnh viêm phổi.
Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), viêm phổi hiện đang là nguyên nhân dẫn đến tử vong của khoảng 2 triệu trẻ em trên toàn cầu hàng năm. Số lượng này nhiều hơn tổng số ca tử vong do AIDS, sốt rét và bệnh sởi cộng lại. Dự kiến, mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ em tử vong vì viêm phổi, đồng nghĩa với việc trên thế giới cứ 20 giây trôi qua có 1 trẻ tử vong vì căn bệnh này.
Ở Việt Nam, có khoảng 2,9 triệu trẻ bị viêm phổi mỗi năm. Trong đó, ước tính có 4.000 trẻ tử vong vì bệnh viêm phổi. Đất nước ta đứng trong top 15 quốc gia trên thế giới có lượng trẻ mắc viêm phổi nhiều nhất.
Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ
Có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ và mỗi nguyên nhân này đều có tác động riêng lên cơ thể, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số nguyên nhân ở các nhóm tuổi ở trẻ:
Nhóm trẻ dưới 5 tuổi
Viêm phổi xuất hiện do các loại vi khuẩn như: Streptococcus nhóm B, Listeria monocytogenes, H.influenzae, Branhamella catarrhalis, và S.aureus. Với trẻ dưới 2 tháng tuổi bị mắc viêm phổi do các vi khuẩn: Klebsiella pneumonia, E. Coli, và gram âm khác. Viêm phổi do vi khuẩn thường phát triển nhanh chóng và có các triệu chứng nặng hơn so với bệnh viêm phổi do virus. Sau khi xâm nhập vào cơ thể trẻ, chúng thường di chuyển đến phổi để sinh sống, rồi từ từ lây lan và gây bệnh.
Nhóm trẻ từ 5 – 15 tuổi
Viêm phổi thường do các loại virus như: RSV, H.influenzae… gây ra. Vì vậy, so với các nguyên nhân gây bệnh khác, viêm phổi do virus thường phát triển chậm hơn và không mấy nghiêm trọng. Gần 50% trường hợp trẻ từ 5 – 15 tuổi bị viêm phổi do virus. Các triệu chứng của bệnh trong trường hợp này rất giống với tình trạng bị cảm cúm thông thường. Điều này khiến phụ huynh dễ bị nhầm lẫn giữa viêm phổi do virus và bệnh cúm diễn ra ở trẻ. Từ đó, dẫn đến nhận dạng sai triệu chứng, điều trị chậm hoặc không hiệu quả, tiêu tốn thời gian. Đặc biệt, virus viêm phổi có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn. Đồng thời, nó làm thúc đẩy nhanh hơn quá trình viêm.
Bên cạnh đó, các ký sinh trùng , lao, nấm, môi trường ô nhiễm… hay dùng chung vật dụng với người bệnh cũng là nguồn gây viêm phổi ở trẻ.
Triệu chứng bệnh viêm phổi ở trẻ
Phát hiện sớm các triệu chứng viêm phổi ở trẻ giúp phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số triệu chứng bệnh, ba mẹ cần lưu ý:
Triệu chứng bệnh giai đoạn sớm
Triệu chứng đầu tiên xuất hiện khi trẻ mắc bệnh viêm phổi thường là tình trạng thở nhanh. Dấu hiệu này thường xuất hiện sớm hơn so với việc sử dụng ống nghe và chụp X-quang. Ba mẹ có thể kiểm tra nhịp thở của trẻ bằng cách đếm số lần thở của trẻ trong 1 phút (sử dụng đồng hồ có kim giây) theo các tốc độ sau:
– Trẻ dưới 2 tháng: 60 lần/phút trở lên.
– Trẻ từ 2 đến 11 tháng: 50 lần/phút trở lên.
– Trẻ từ 12 tháng đến 5 tuổi: 40 lần/phút trở lên.
Nếu trẻ có tốc độ thở nhanh, vượt qua ngưỡng quy định thì đây có thể là một dấu hiệu sớm của bệnh viêm phổi. Trong trường hợp này, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện hay cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám và đưa ra chẩn đoán, điều trị phù hợp.
Triệu chứng bệnh giai đoạn nặng
Nhận biết trẻ bị viêm phổi giai đoạn nặng thông qua việc quan sát các biểu hiện hô hấp của trẻ. Để thấy kỹ dấu hiệu này, ba mẹ nên vén áo trẻ kiểm tra ngực và bụng của trẻ; rồi quan sát khi trẻ nằm yên, không ăn không quấy. Khi trẻ hít vào thở ra, bên dưới lồng ngực sẽ có khả năng bị lõm vào bên trong thay vì phồng lên như bình thường. Nếu phát hiện trẻ có những biểu hiện này, có thể tình trạng bệnh ở trẻ đã nặng hơn. Lúc này, ba mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.
Các dạng viêm phổi ở trẻ thường gặp
Trẻ thường mắc dạng viêm phổi nào? Ba mẹ lưu lại ngay 2 dạng viêm phổi thường gặp ở trẻ dưới đây:
Viêm phổi thuỳ
Viêm phổi thùy và viêm khí quản là hai loại bệnh ảnh hưởng đến đường hô hấp và mô liên kết xen kẽ. Tình trạng này phổ biến ở những đối tượng có hệ miễn dịch yếu, gồm: trẻ em, người cao tuổi, người bệnh lý nền mạn tính, suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, hoặc người đã từng mắc các loại bệnh về phổi từ trước như: viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản… Bệnh trở nên nguy hiểm khi thời tiết thay đổi. Mùa Đông Xuân là thời điểm tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp tăng cao.
Viêm phổi phế quản
Viêm phổi phế quản là một loại bệnh nhiễm trùng cấp tính lan trong phế quản, phế nang và mô kẽ. Tình trạng này phát triển khá nhanh và có khả năng gây tử vong cao nếu trẻ không được điều trị đúng đắn và kịp thời. Trẻ dưới 5 tuổi, nhất là dưới 2 tháng tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Các biến chứng bệnh viêm phổi ở trẻ
Viêm phổi ở trẻ có thể phát triển từ nhẹ đến nặng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, bao gồm:
– Nhiễm trùng huyết: Đây là tình trạng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn. Từ đó, nó gây nhiễm trùng máu và hiện tượng sốc biến chứng nhiễm trùng. Đây là một biến chứng nguy hiểm và khó điều trị, thậm chí có thể gây nguy hại đến sức khỏe của trẻ và dẫn đến tử vong.
– Tràn mủ trong phổi: Gây khó khăn cho quá trình hô hấp; đồng thời làm tăng cường lượng bạch cầu và tạo ra tình trạng kháng thuốc.
– Viêm màng não: Có khả năng gây tổn thương não vĩnh viễn, rối loạn thần kinh và đe doạ tính mạng với trẻ.
– Suy hô hấp cấp: Gây áp xe phổi, làm suy giảm hệ miễn dịch ở trẻ. Ngoài ra, nó có thể dẫn đến bệnh mãn tính.
– Tràn dịch màng tim và truỵ tim: Gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tuần hoàn của cơ thể trẻ.
Cách điều trị viêm phổi ở trẻ
Phương pháp điều trị viêm phổi ở trẻ dựa trên việc áp dụng nguyên tắc sử dụng kháng sinh. Nhằm hỗ trợ hô hấp, chế độ dinh dưỡng của trẻ mắc bệnh và điều trị các biến chứng của bệnh.
Cách điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh và thể trạng từng trẻ; bao gồm cả việc xem xét sự xuất hiện của các bệnh lý đi kèm. Qua đó, bác sĩ sẽ thiết kế phác đồ điều trị phù hợp để mang lại hiệu quả tốt. Đối với bệnh viêm phổi, việc sử dụng kháng sinh là cần thiết. Để đối phó với bệnh hô hấp nặng, đặc biệt là khi trẻ gặp khó khăn khi thở, việc hỗ trợ hô hấp sẽ được tiến hành thực hiện.
Thông thường việc xác định nguyên nhân gây viêm phổi do vi khuẩn hay virus là một điều khó khăn. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ bội nhiễm do viêm phổi tương đối cao nên việc sử dụng kháng sinh được lựa chọn nhiều trong quá trình điều trị các trường hợp nặng.
– Với trẻ từ 2 tháng đến dưới 5 tuổi, kháng sinh dùng ban đầu là Cephalosporin thế hệ thứ ba.
– Với trẻ dưới 2 tháng tuổi, nhất là khi bị viêm phổi nặng; kháng sinh ban đầu sử dụng có tác động mạnh vào cả vi khuẩn lẫn virus.
Ngoài việc dùng kháng sinh, bác sĩ thường kết hợp điều trị bổ sung như: chăm sóc dinh dưỡng, giảm sốt, giảm triệu chứng ho, dãn phế quản… và xử lý các biến chứng cần thiết khi cần.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm phổi ở trẻ. Mong rằng, các chia sẻ trong bài sẽ hữu ích với ba mẹ.
Đọc thêm:
– Mềm sụn thanh quản ở trẻ là bệnh như thế nào?
– Trị ho cho trẻ tại nhà bằng thảo dược an toàn, hiệu quả