Bệnh thoát vị đĩa đệm là một bệnh phổ biến và gặp ở rất nhiều đối tượng khác nhau. Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống, có lớp vỏ ngoài và nhân nhầy ở giữa. Chúng giảm áp lực và làm cho cột sống linh hoạt. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy dịch chuyển khỏi vị trí bình thường. Từ đó, nó sẽ gây áp lực lên các rễ thần kinh, dẫn đến tê bì chân tay và đau nhức. Vậy bệnh thoát vị đĩa đệm là gì và nguyên nhân, cách chẩn đoán, điều trị như thế nào? Cùng Dược phẩm Hoàng Hà tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Thoát vị đĩa đệm là bệnh như thế nào?
Thoát vị đĩa đệm là một bệnh xảy ra khi một hoặc nhiều đĩa đệm giữa các cột sống lưng và cổ bị hư hại, di chuyển khỏi vị trí ban đầu. Đây chính là nguyên nhân gây áp lực lên tuỷ sống cùng các dây thần kinh trong ống sống. Kết quả là gây tình trạng đau nhức, rối loạn cảm giác tại chỗ.
Bệnh thoát vị đĩa đệm nguyên nhân do đâu?
Một số nguyên nhân chính dẫn đến thoát vị đĩa đệm, bao gồm:
– Gánh nặng vận động và lao động: Làm việc, vận động, hoặc lao động quá sức hay trong không đúng tư thế có thể gây tổn thương cho đĩa đệm và cột sống.
– Tuổi tác: Quá trình lão hoá khiến đĩa đệm và cột sống mất nước, thoái hoá xơ cứng và dễ bị tổn thương. Điều này là nguyên nhân phổ biến cho đa số các bệnh nhân.
– Chấn thương lưng: Các chấn thương ở vùng lưng có thể làm cho đĩa đệm bị thoát vị đĩa đệm.
– Bệnh lý bẩm sinh và các vấn đề liên quan đến cột sống: Gù vẹo, thoái háo cột sống và các bệnh lý khác ở vùng cột sống có thể gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm.
– Yếu tố di truyền: Di truyền có thể chịu trách nhiệm cho việc một số người có nguy cơ cao mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.
Ngoài ra, một số nguy cơ gây bệnh thoát vị đĩa đệm như:
– Cân nặng cơ thể: Người có cân nặng lớn sẽ gây áp lực lớn lên các đĩa đệm cột sống.
– Công việc: Các công việc đòi hỏi việc lao động chân tay, vác nặng hay dùng sai tư thế.
Các triệu chứng bệnh thoát vị đĩa đệm
Người bệnh thoát vị đĩa đệm sẽ có những triệu chứng nhận biết, gồm:
– Đau nhức chân tay: Người bệnh sẽ phải trải qua các cơn đau đột ngột tại vùng cổ vai gáy, thắt lưng và chây tay. Sau đó, nó sẽ đau lan ra những vùng ở vai gáy và chân tay. Có thể có hai dạng đau là đau âm kéo dài vài ngày, vài tuần hay vài tháng và đau hơn khi vận động, chỉ giảm khi nghỉ ngơi.
– Tê bì chân tay: Các rễ thần kinh bị đĩa đệm chèn lên gây cảm giác tê bì, đau nhức. Triệu chứng này dần lan xuống phần mông, đùi, bẹn, bàn chân và gót chân. Bệnh nhân có thể phải qua cảm giác và cảm thấy như bị kiến bò trong người.
– Bị yếu cơ hay bại liệt: Giai đoạn nặng của bệnh thể hiện qua sự xuất hiện của việc yếu cơ và bại liệt. Thông thường, tình trạng này chỉ được phát hiện sau một thời gian khá dài. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, người bệnh sẽ gặp khó khăn khi di chuyển, cũng như vận động. Từ đó, dẫn đến nguy cơ chân và cơ bị teo, liệt các chi và phải di chuyển bằng xe lăn.
Bên cạnh đó, cũng có người bị thoát vị đĩa đệm nhưng không có triệu chứng. Do đó, một lời khuyên dành cho người bệnh là đi khám bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu:
– Có cảm giác đau nhức, tê bì chân tay, cơ yếu hơn gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
– Xuất hiện tình trạng són tiểu, bí đi tiểu.
– Các vị trí bắp đùi, phía sau chân và quanh vùng hậu môn không còn cảm giác.
Nếu người bệnh thoát vị đĩa đệm không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gặp một số các biến chứng nguy hiểm:
– Có nguy cơ bị bại liệt nửa người hay bại liệt cả người.
– Bị hội chứng đuôi ngựa hoặc rối loạn cơ vòng.
– Thời gian dài không vận động khiến các cơ, chi bị teo và suy yếu, chân tay nhỏ đi, giảm khả năng vận động.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị thoát vị đĩa đệm
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra mức độ đau, vị trí đau và hỏi các thông tin liên quan đến tình trạng bệnh. Qua đó, bác sĩ sẽ có những chẩn đoán và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng sức khoẻ người bệnh.
Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm
Hầu hết, khi người bệnh đi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kết hợp giữa triệu chứng hiện tại và tiền sử bệnh trước đó để có những kết luận chính xác. Với trường hợp, bác sĩ nghi ngờ bệnh khác, thì bệnh nhân sẽ được chỉ định làm một vài xét nghiệm, gồm:
– Chẩn đoán hình ảnh qua việc chụp X quang, CT, MRI và cản quang để cung cấp những hình ảnh chẩn đoán khác nhau nhằm hỗ trợ chính xác tình trạng người bệnh.
– Test thần kinh bằng đo điện cơ để xác định mức độ lan truyền xung thần kinh dọc qua các mô thần kinh. giúp phát hiện các tổn thương thần kinh.
Phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm
Tuỳ vào tình trạng sức khoẻ và mức độ thoát vị đĩa đệm, bác sĩ sẽ tư vấn hai phương pháp điều trị cho người bệnh là: bảo tồn và phẫu thuật.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc giúp cải thiện các triệu chứng lệch đĩa đệm, như: Acetaminophen giảm đau, thuốc chống viêm không Steroid hay Corticosteroid, giãn cơ và chống đau thần kinh. Nếu người bệnh quá lạm dụng những loại thuốc này sẽ dẫn đến tình trạng: chóng mặt, buồn nôn, dị ứng và gây ra viêm loét dạ dày, suy giảm chức năng gan, loãng xương… Chính vì vậy, người bệnh cần tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý uống thuốc hay tăng liều hoặc giảm liều.
Sử dụng vật lý trị liệu
Người bệnh có thể kết hợp thuốc với tập vật lý trị liệu để giảm đau và tránh tổn thương cột sống do sai tư thế trong lao động, sinh hoạt. Tuy nhiên, khi tập vật lý trị liệu cần có hướng dẫn của chuyên viên và các kỹ thuật viên có kinh nghiệm. Người bệnh không nên tự tập luyện để tránh tình trạng tập sai cách gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hồi phục.
Phương pháp phẫu thuật
Các phương pháo phẫu thuật thoát vị đĩa đệm hiện nay gồm: mổ hở, mổ nội soi và tiêu huỷ nhân nhầy bằng men Chymopapain. Tuy nhiên, những phương pháp này có các hạn chế và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, dị ứng với men tiêu nhân nhầy, liệt dây thần kinh và thậm chí là tử vong.
Như vậy, người bị thoát vị đĩa đệm sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình đi lại, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Bài viết trên đây là những thông tin hữu ích về bệnh thoát vị đĩa đệm giúp bạn đọc hiểu hơn về tinh trạng bệnh này.