Đau mỏi cổ vai gáy là bệnh lý rất phổ biến ở mọi lứa tuổi và đối tượng. Những cơn đau xuất hiện ở vùng cổ, vai và sau gáy gây khó khăn và phiền toái cho bạn. Vì vậy, bạn cần hiểu nguyên nhân gây đau mỏi cổ vai gáy, từ đó cách điều trị hiệu quả.
Đau mỏi vai gáy là gì?
Đau mỏi cổ vai gáy là hiện tượng các cơ vùng vai gáy bị căng cứng, gây đau và hạn chế sự di chuyển ở cổ. Không chỉ gây khó chịu, đau mỏi cổ vai gáy còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh về xương khớp. Một số bệnh về xương khớp điển hình như: thoái hoá đốt sống cổ, thoái vị đĩa đệm cổ, gai cột sống… gây chèn ép các dây thần kinh cột sống.
Thông thường, khi đau mỏi cổ vai gáy, người bệnh sẽ dùng thuốc để làm giảm cơn đau. Nhiều trường hợp, dùng thuốc giảm đau đến mức viêm dạ dày, nhờn thuốc… mới đi gặp bác sĩ. Để đạt hiệu quả cao trong điều trị, người bệnh phải được chẩn đoán đúng nguyên nhân. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị đau mỏi vai gáy phù hợp.
Nguyên nhân gây đau mỏi cổ vai gáy
Đau mỏi cổ vai gáy là tình trạng bệnh rất thịnh hành, nhiều người mắc phải. Nguyên nhân của tình trạng này có thể do cơ học hoặc do các bệnh lý gây ra.
Nguyên nhân cơ học
– Tập luyện quá mức: Việc tập luyện quá sức hoặc thực hiện sai kỹ thuật có thể gây đau mỏi cổ vai gáy. Ngoài ra, không khởi động trước khi vận động mạnh cũng có thể gây đau mỏi cổ vai gáy.
– Tư thế không đúng: Ngồi cong lưng quá lâu, ngủ gục xuống bàn… sẽ gây áp lực lên các mạch máu. Từ đó, làm chậm quá trình lưu thông máu đến vùng cổ và gây đau mỏi cổ vai gáy.
– Tính chất công việc: Các công việc đòi hỏi ngồi lâu hoặc giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài sẽ tạo áp lực lên các cơ quan và mạch máu vùng cổ, vai.
– Thiếu dinh dưỡng: Sự thiếu hụt vitamin, khoáng chất, đặc biệt là canxi có thể làm giảm hoạt động của dây thần kinh ngoại vi. Từ đó, gây ra tê bì và cảm giác đau mỏi cổ vai gáy.
– Bị chấn thương: Chấn thương ở vùng cổ vai gáy có thể gây tổn thương cho cơ và dây chằng, gây ra đau mỏi cổ vai gáy.
– Nhiễm lạnh: Khi cơ thể tiếp xúc với lạnh, dây thần kinh có thể bị tổn thương dần, gây tình trạng đau mỏi cổ vai gáy.
Nguyên nhân bệnh lý
– Thoái hoá đốt sống cổ: Gai xương chèn ép dây thần kinh, gây đau mỏi cổ vai gáy. Tình trạng này thường xảy ra ở người trung niên.
– Rối loạn chức năng thần kinh: Dây thần kinh bị kéo dài, kéo căng sẽ gây đau mỏi cổ vai gáy và kèm theo các triệu chứng khác.
– Vôi hoá cột sống: Canxi bị lắng đọng, gây vôi hoá cột sống và chèn ép rễ thần kinh. Từ đó, nó sẽ gây đau mỏi và khó vận động.
– Viêm bao khớp vai: Gây đau khi trời trở lạnh, khi nằm nghiêng và hạn chế vận động.
– Rối loạn khớp bả vai lồng ngực: Căng thẳng cơ do ngồi lâu, gây đau mỏi. Tình trạng này thường gặp ở thợ may, nhân viên văn phòng, lái xe…
Các nguyên nhân trên đây có thể là các triệu chứng ban đầu, báo hiệu đau mỏi cổ vai gáy. Tuy nhiên, để có chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến và đến khám bác sĩ.
Triệu chứng khi bị đau cổ vai gáy
Người bị đau mỏi cổ vai gáy sẽ xuất hiện một số triệu chứng sau:
– Cơn đau thường xuất hiện sau khi ngủ dậy hoặc sau khi thực hiện công việc nặng. Hay ngồi lâu mãi một tư thế trên bàn làm việc.
– Mức độ đau sẽ tăng lên khi người bệnh đứng, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cổ hay khi thời tiết thay đổi.
– Cơn đau từ bả vai lan xuống cánh tay, gây cảm giác tê mỏi, nặng nền và khó vận động vai, tay.
– Khi chạm vào vùng bả vai, cánh tay, người bệnh có thể cảm thấy tê cứng.
– Đôi khi, việc di chuyển nhẹ nhàng cũng có thể gây đau ở vùng cổ vai gáy.
– Nằm ngủ nghiêng về một bên có thể gây đau cổ vai gáy.
– Tuỳ thuộc vào từng trường hợp, người bệnh có thể trải qua các triệu chứng khác như: chóng mặt, ù tai, hoa mắt…
Phương pháp chẩn đoán đau mỏi vai gáy
Với bệnh đau cổ vai gáy, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khoẻ và tiền sử bệnh. Từ đó, có thể biết được chính xác thời điểm bắt đầu cơn đau và các triệu chứng cụ thể. Người bệnh có thể phải di chuyển vai, cổ, cánh tay để đánh giá phạm vi chuyển động. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ chỉ định bệnh nhân làm một số xét nghiệm bổ sung để đưa ra chẩn đoán chính xác, cụ thể:
– Chụp X-quang: Phương pháp này cho thấy được khoảng cách giữa hai xương cột sống bị thu hẹp. Từ đó, giúp phát hiện một số bệnh lý như: viêm khớp, trượt đĩa đệm, gãy xương…
– MRI và CT: Chẩn đoán bằng MRI là phương pháp không xâm lấn. Nó giúp thu được các hình ảnh chi tiết về các yếu tố: dây thần kinh, dây chằng, gân… Trong một số trường hợp, MRI sẽ được thay thế bằng chụp CT.
– Điện cơ đồ: Phương pháp này thường được thực hiện để đo độ dẫn truyền thần kinh. Từ đó, chẩn đoán các tình trạng đau cổ vai gáy hay tê bì chân tay.
– Chọc dò tuỷ sống: Phương pháp này được áp dụng khi bác sĩ nghi ngời bạn bị nhiễm trùng.
– Tiến hành xét nghiệm máu.
Như vậy, khi gặp triệu chứng đau cổ vai gáy thương xuyên,hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng. Bài viết trên đây là thông tin về đau mỏi cổ vai gáy mà chúng tôi chia sẻ. Hy vọng nó bổ ích cho việc chăm sóc sức khoẻ của bạn và gia đình.